Một số cháo thanh nhiệt dẫn ra dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vần đề này:
Bài 1: Đậu xanh 30g, lá sen tươi l/4 lá, gạo tẻ 100g
Đậu xanh loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cho vào nồi nấu trước. Khi chín, tiếp tục cho gạo tẻ đã vo sạch và lá sen tươi vào nấu nhừ thành cháo loãng, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử và bồi bổ sức khỏe. Với những người thừa cân và béo phì, loại cháo này còn có tác dụng điều hòa rối loại lipid máu, làm giảm cân nhẹ người. Chú ý: đậu xanh phải để nguyên cả vỏ.
Bài 2: Dưa hấu 1.000g, cát cánh 25g, đường phèn 100g, gạo tẻ 100g
Dưa hấu bỏ hạt, thái vụn; cát cánh thái miếng nhỏ như hạt gạo; gạo tẻ vo sạch ngâm nước cho trương lên. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ rồi ninh nhừ thành cháo. Mỗi ngày ăn một vài bát.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu và làm hết khát. Trong dược học cổ truyền, dưa hấu được mệnh danh là “thiên nhiên bạch hổ thang”, ý muốn nói: loại dưa này có tác dụng thanh nhiệt mạnh như bạch hổ thang, một bài thuốc điển hình thuộc nhóm thanh nhiệt tả hỏa.
Bài 3: Bí xanh tươi cả vỏ 100g, gạo tẻ 50g
Bí xanh rửa sạch thái miếng nhỏ, gạo tẻ vo sạch, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng và làm hết khát; rất thích hợp với những người thừa cân béo phì, người bị phù nề, đái tháo đường, cảm nắng cảm nóng, viêm đường tiết niệu, trẻ em bị bệnh ngoài da trong mùa hè.
Bài 4: Mía tươi 250g (có thể thay bằng nước mía ép 100 - 150ml), gạo tẻ 50g
Mía rửa sạch, róc vỏ, cắt đoạn chẻ nhỏ rồi đem ninh với gạo tẻ thành cháo. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 bát.
Công dụng: thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận phế hòa vị, trừ phiền làm hết khát, bồi bổ sức khỏe và phòng chống táo bón; rất thích hợp cho trẻ biếng ăn, nóng sốt, bị bệnh ngoài da trong mùa hè và những người bị bệnh đường hô hấp và táo bón.
Bài 5: Bột sắn dây 50g (có thể dùng củ sắn dây 100g thay thế), đậu xanh để cả vỏ 50g, gạo tẻ 50g
Gạo tẻ vo sạch đem ninh với đậu xanh thành cháo. Khi chín, đổ bột sắn dây đã hòa nước vào, khuấy đều, đun thêm một lát là được (nếu dùng củ sắn dây thì cho vào ninh ngay từ đầu).
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi thủy, giải khát; rất thích hợp với người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thiểu năng tuần hoàn não trong mùa hè.
Bài 6: Bạch linh tán bột 20g, đậu đỏ 50g, ý dĩ 20g
Đậu đỏ rửa sạch, ngâm nước nửa ngày rồi đem ninh với ý dĩ cho nhừ, tiếp đó cho bột bạch linh vào đun thêm một lúc là được. Khi ăn cho thêm một chút đường trắng, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát.
Công dụng: kiện tỳ trừ thấp, thanh nhiệt giải độc; rất thích hợp cho những người bị bệnh gan mật, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng mạn tính, biếng ăn trong mùa hè.
Bài 7: Đậu ván trắng tươi (bạch biển đậu) 120g (nếu dùng khô thì 60g), gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ
Đậu ván rửa sạch rồi đem ninh với gạo thành cháo, (nếu là đậu ván khô thì phải ngâm nước qua đêm), chế thêm đường, chia ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
Công dụng: thanh thử hóa thấp, kiện tỳ chỉ tả (cầm đi lỏng); rất thích hợp cho những người tỳ vị hư nhược, đi lỏng mạn tính, phụ nữ bị khí hư, trẻ em hay nôn và biếng ăn về mùa hè.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét