Xứ Gò Công, lâu nay ngoài những đặc sản mắm còng, mắm tôm chà nổi tiếng gần xa, vùng quê nghèo, gió mặn này còn có một món bánh đặc biệt làm xao xuyến lòng người: bánh "giá" Chợ Giồng Chợ Giồng là tên xưa của chợ thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây - Tiền Giang) ngày nay. Bánh "giá" có từ hồi nào, không ai còn nhớ. Nhiều người chỉ mang máng rằng, nghe kể từ thời ông cổ bà sơ của họ chưa vợ, chưa chồng thì cái bánh giá đã có mặt ở chợ Giồng. Cũng nghe đồn rằng, cái bánh dung dị, dân dã này hình như gắn liền với một mối tình tan vỡ nào đó ở xứ Gò, cho nên tới giờ này người Gò Công vẫn còn ngâm nga câu ca: “Một mai em gái theo chồng, còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh” Bánh giá hay bánh vá? Cho đến nay vấn đề này vẫn còn là cuộc tranh luận bất tận. Người nói: gọi bánh giá vì làm bằng nguyên liệu chính là cọng giá đậu xanh; kẻ cãi: phải gọi là bánh vá mới đúng vì chiếc bánh khi chiên được đặt trong một dụng cụ na ná như cái vá múc canh, và hình thù chiếc bánh cũng tương tự. Các vị công tằng tổ phụ không còn để lại bất kỳ tài liệu nào chứng minh tên cúng cơm của chiếc bánh, cho nên đến nay chiếc bánh đậm đà - ai gọi sao cũng được. Bánh giá là món ăn dân dã nên nhà nào cũng làm được. Bột gạo, bột mì, bột đậu nành được nêm nếm gia vị (muối, đường, bột ngọt, tiêu, hành, tỏi) bao quanh lớp nhân gồm thịt nạc bằm, tôm lột vỏ và những cọng giá trắng muốt, no tròn, phía trên chiếc bánh nhận thêm vài con tôm còn nguyên đầu đuôi rồi đặt trong chiếc vá nhôm, bỏ vào chảo dầu chiên cho vàng, giòn. Có điều lạ, dù đơn giản nhưng người ta vần thích mua từ một nơi nào đó ở Vĩnh Bình. Nhưng cũng lạ, thị trấn Vĩnh Bình cũng chỉ... có vài chỗ làm bánh - đếm trên đầu ngón tay. Theo lời dì Ba Đẹp, một trong những người hiếm hoi còn sinh sống bằng nghề làm bánh giá gần ngã ba Hòa Đồng (QL 50), hàng chục năm ngồi chiên bánh giá bán cho khách qua đường ở ngã ba Hòa Đồng: “Giá trị chiếc bánh không cao, đồng lời không nhiều mà phải dãi nắng dầm mưa nên nhiều người không thích nghề này”. Lời giải thích của dì Ba Đẹp không biết thực hư ra sao, nhưng cứ nhìn cảnh dì Ba loay hoay cả ngày bên bếp lửa, thau bột, rổ nhân bánh trong một túp lều xập xệ ven quốc lộ 50, bất kể trời nắng hay trời mua, để chiên cho được 300 - 400 chiếc bánh bán với giá 1.500 đồng- 2.000 đồng/chiếc thì không thể nói bánh giá là thứ vật thực hấp dẫn những người có máu kinh doanh - nôn nóng làm giàu. “Tui còn cái may, bao nhiêu năm qua người ta vẫn thích ăn bánh giá, tui mới bám trụ, giữ được với cái nghề mẹ truyền, con nối này”, dì Ba nói. Bánh giá dân dã, tinh tế ở xứ nghèo. Trước khi đưa chiếc bánh lên mâm, người ta dùng kéo cắt bánh ra thành từng miếng vừá ăn. Bánh kèm với rau sống, dưa leo, nước mắm (hoặc nước tương) pha tỏi, ớt, chanh, đường, ai cầu kỳ thì giặm thêm gắp bún tươi trắng ngần. Trên bàn tiệc, không ai bày nguyên chiếc bánh và khách dự tiệc cũng không ai dám gắp cả chiếc bánh cho vào chén, vì như vậy là “phàm phu tục tử”. Dì Ba Đẹp nói rằng, đừng nhìn chiếc bánh giá “dặm trường gió bụi” ven quốc lộ 50 mà xem nhẹ, đó là món không thể thiếu trên mâm cỗ những dịp tiệc tùng, lễ lạt, giỗ quải của xứ Gò Công. Hiện tại, ngoài số lượng bánh bán cho khách qua đường mỗi ngày, dì Ba Đẹp còn nhận chiên bánh theo đơn “đặt hàng” của các cơ quan, công sở trong huyện mỗi khi những nơi này đãi khách phương xa. “Đặt hàng giá bao nhiêu tui cũng làm, tiền càng cao thì nhân tôm, thịt càng nhiều hơn so với chiếc bánh bình thường, còn diện tích chiếc bánh thì... vẫn vậy. Nhiều khi xe hơi chở Việt kiều về thăm quê, đi ngang cũng ngừng lại đặt hàng và ngồi tại chỗ xem tui chiên bánh”, dì Ba vừa múa đôi tay từ các thau đựng nguyên liệu qua chảo dầu sôi sùng sục, vùa tự hào khoe. “Bánh giá bây giờ mùi vị không còn như xưa”, mấy vị bô lão sành ăn ở thị trấn Vĩnh Bình nhận xét. Mang chuyện này hỏi dì Ba Đẹp, dì cười: Mấy ông cụ nói đố có sai. Má tui kể, hồi xưa xứ Gò Công tôm tép dồi dào, bánh giá chính hiệu phải làm bằng con tôm bạc đất, chiên xong gói bằng lá chuối khô mới ngon. Bây giờ tôm bạc đất mắc mỏ, làm bánh giá phải sử dụng tôm sắt, tôm chì, nhiều khi tép mòng làm nguyên liệu nên mất ngon. Thứ nữa là khách hàng bây giờ đòi nhân bánh phải có thêm thịt bằm, gan heo; chiên rồi gói bằng giấy dầu, đựng trong bọc xốp nên mùi vị chiếc bánh không còn nguyên sơ như bánh giá Chợ Giồng ngày trước”. Dì Ba Đẹp nói một hơi rồi buông chiếc vá nhôm vào thau bột, mắt nhìn xa xăm về phía Chợ Giồng.
(ST)
Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét