Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Malaysia December 2010











Chào các bạn,

Nhân chuyến công tác Malaysia tháng 12 vừa qua, mình muốn gửi đến các bạn một số hình ảnh ở đất nước này để các bạn xem cho vui nhé.

Chúc các bạn và gia đình hưởng một mùa giáng sinh an lành.

KP

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Thu gian

Bí quyết Thư giãn tinh thần cho chị em
(Phunudep) - Ai cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng với những vấn đề của công việc, gia đình... Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì để thoát khỏi tâm trạng đó?
Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp bạn tạo nên niềm vui, sự lạc quan cho tinh thần và động lực để bạn tiếp tục cố gắng.
1. Tắm thư giãnThỉnh thoảng hãy thưởng cho mình một buổi tắm thư giãn tuyệt vời với ánh nến, tiếng nhạc dịu êm... Bạn hãy ngâm mình trong nước ấm, tận hưởng cảm giác thư thái để xua hết nỗi lo toan và muộn phiền.

2. Làm những gì mình thíchĐôi khi bạn cũng nên quên đi những qui tắc ăn kiêng nghiêm ngặt trong một buổi tối. Chiều chuộng bản thân một chút sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn. Hãy “cho phép” mình ăn những món ưa thích, xem bộ phim của bạn hoặc làm những việc bạn muốn để có được cảm giác hài lòng với bản thân và ngày mai sẽ là một ngày hoàn toàn khác.3. Mua sắmKhi tới trung tâm thương mại, bạn mải mê với những món hàng mà quên đi phiền lo. Và chắc chắn, một chiếc đầm hay một đôi guốc mới sẽ làm bạn vui trong nhiều ngày sau đó.
4. Đọc sáchVới nhiều người, công việc bận rộn đến mức chẳng có thời gian dành cho việc đọc sách. Tuy nhiên, đọc sách là cách hay để giải tỏa stress.5. Nghe nhạcKhông có phương pháp thư giãn nào tốt hơn là nghe bản nhạc mà bạn yêu thích. Hãy hát và nhảy theo giai điệu, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thư thái hơn.
6. Đi bộHãy tìm một đôi giày thoải mái và dạo quanh khu công viên hay vườn hoa nơi bạn sinh sống để tâm hồn thoải mái hơn.

7. Làm vườnThật tuyệt nếu nhà bạn có một khu vườn nho nhỏ. Khi stress, hãy trở thành người làm vườn, ở đó có rất nhiều việc cho bạn, bạn sẽ luôn tay và chẳng có thời gian nghĩ đến những căng thẳng trong cuộc sống.8. Viết nhật kýĐừng nghĩ rằng viết lách chẳng dễ dàng và bạn không muốn trở thành nhà văn hay nhà báo. Đơn giản chỉ là bạn viết ra những rắc rối của mình, đọc nó, biết đâu bạn sẽ tìm được phương hướng giải quyết. Nếu không, ít nhất bạn cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Phunudep.com.vn

Tan man am thuc Viet Nam

Món ăn ba miền: Phong phú ẩm thực Việt Nam
Chủ nhật, ngày 28/11/2010, 10:47
(am thuc 24h) - Một vị khách nước ngoài sau chuyến đi từ Sài Gòn ra Huế, Hà Nội đã “cắc cớ” hỏi người hướng dẫn du lịch về cơ sở văn hoá của các món ăn ba miền Nam, Trung, Bắc. Thật ra thì đôi nét khác nhau đó chỉ thể hiện sự phong phú, đa dạng của một nền ăn uống Việt Nam trên cơ sở văn hoá chung.
Địa chỉ nhà hàng, quán cafe, fasfood, món ăn ngon... tất cả có trong Ẩm thực 24H
window.onload = function () {resizeNewsImage("news-image", 500);}
Tôi nghĩ, đất Bắc là nơi còn giữ đầy đủ nhất “cái ăn” truyền thống. Suốt quá trình Nam tiến, ông bà ta đã giữ cái hồn của nền ăn uống Việt Nam và không ngừng sáng tạo, thích nghi theo điều kiện sống ở vùng đất mới, đem lại sự đa dạng, đặc sắc của các món ăn ba miền.
Khẩu vị miền Bắc: “nghiêm ngặt đến bảo thủ?”

Bún chả Hà Nội
Nhớ lại hồi đầu năm 1955, khi sư đoàn chúng tôi rời Bạc Liêu tập kết ra Bắc gặp lúc nạn đói đang hoành hành. Chúng tôi hành quân qua những “vựa lúa” miền Bắc thấy cảnh bà con đào củ rau má, củ chuối nấu cháo trong lúc trên đường làng rất nhiều cóc, ngoài đồng nhái, ễnh ương kêu vang, vẫn không có ai bắt ăn. Chúng tôi thử bắt cóc, làm thịt nấu cháo, bắt nhái xào với lá mướp đem mời chủ nhà nơi mình đóng quân thì đều bị từ chối. Ngay hôm đó cả làng ầm lên kháo nhau một tin “rùng rợn”: các anh bộ đội miền Nam ăn cả cóc, nhái, ễnh ương!
Dần dần, chúng tôi mới hiểu ra rằng, các vùng châu thổ phía Bắc là nơi tổ tiên ta sớm định cư từ lâu đời, mọi cái ăn, cái mặc đều được sàng lọc, đúc kết để trở nên chuẩn mực của làng, của nước. Dù lâm vào cảnh đói nghèo cũng không ai được làm trái “đất lề, quê thói”. Từ thuở các vua Hùng đã có hội thi nấu cơm, làm bánh, chế biến thức ăn. Nền văn minh ăn uống hình thành cùng với ý chí “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Qua ngàn năm Bắc thuộc, xì dầu không át được mắm tôm; tương tàu không thay được tương ta (tương bần). Hai nước giống nhau ở cái thú thịt chó, nhưng miếng thịt chó ướp tương tàu mà ta đọc thấy Trịnh Ân ngoạm nhồm nhoàm khác hẳn miếng thịt cầy ướp mắm tôm, riềng, mẻ. Quan niệm “dĩ thực vi tiên” thấp hơn “có thực mới vực được đạo”. Phong cách ăn của người Tàu lộ vẻ phô trương, bày biện trước hàng phố đông người, ăn xì xụp ồn ã. Ông bà ta dọn mâm nơi kín đáo, ăn uống khoan thai. Ăn chậm, nhai kỹ, ăn vừa đủ đã được đúc kết thành khoa học dưỡng sinh trong “Vệ sinh yếu quyết” của Hải Thượng.
Tôi cảm thấy khẩu vị miền Bắc nghiêm ngặt đến mức “bảo thủ” có lẽ là vì nó được “canh gác” thường trực để chống nỗi lo bị đồng hoá của người khổng lồ phương Bắc. Con gà cục tác lá chanh, Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi. Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. Người miền Trung và miền Nam trộn thịt gà với rau răm, không có rau răm thì cho thứ rau khác, ở đồng bằng sông Cửu Long cho ngọn đinh lăng vào cũng được. Ở Bắc, con gà không chấp nhận bất cứ thứ lá gì khác lá chanh. Gỏi cá thì phải là cá mè và phải có hai thứ rau chủ chốt là đinh lăng và vọng cách. Chỉ riêng món bún cũng đã có những quy định rạch ròi: bún ốc đi với nước chua và ớt băm nhuyễn; bún chả nước mắm pha và rau húng láng; bún bung với dọc mùng (còn gọi là cây sơn hà, miền Nam gọi là bạc hà); canh bún, cá rô, rau cần, bún thang nổi vị mắm tôm…
Phong vị xứ bắc
Có lẽ chính quan điểm về cái ăn và phong cách ăn đã góp phần tạo nên những món ăn đặc sắc của xứ Bắc. Vâng, nhưng rồi những món ăn ấy lại góp phần củng cố cái phong cách ăn của cộng đồng đã tạo ra nó. Ai mà ăn vội ăn vàng được khi dùng món chả cá sông Hồng. Thức ăn đã bày lên bàn, nhưng “công đoạn” tiếp theo với rất nhiều “thao tác” là do người ăn thực hiện: gắp bún sợi đặt vào bát, hãy điểm lên vài cánh rau thơm, vài tẻ hành trắng nõn kia nữa và đừng quên một vài hột đậu phụng rang, bấy giờ mới gắp miếng cá nóng hổi kèm cọng thì là, khẽ cho vào bát mắm tôm chanh ớt sủi bọt có vị cà cuống “cất cánh…”
Cách chế biến tinh tế, gia vị thanh nhẹ đã khiến cho người ăn như chiêm ngưỡng, không thể vội vã và ồn ào. Nước dùng của phở, của bún thang là thứ nước nấu xương với lửa riu riu, sôi lom rom, không được đun áp quá, phải luôn tay hớt bọt lúc vừa sôi, nấu làm sao để khi dùng là một thứ nước trong vắt như nước mưa, thoảng vương hơi vàng mà chưa nổi thành màu vàng, nếm thấy ngọt lịm nơi đầu lưỡi.
Bún thang
Bún thang là món gồm nhiều thứ: thịt gà xé nhỏ, những sợi giò lụa li ti, trứng tráng thái mỏng giống như sợi tơ hồng, ruốc tôm, hành chần, rau mùi, rau răm… Bún trắng nõn đặt vào loạt bát sứ mỏng viền vàng, các thức kể trên xếp lên từng cụm, trên cùng là hành và rau, một thìa nhỏ mắm tôm, cho nước dùng đang sôi vào và chao nghiêng cái bát một lượt để chần bún làm tăng độ nóng đến bỏng lưỡi và một chiếc tăm nhúng vào lọ tinh dầu cà cuống dầm vào bát bún… Người ta nói ăn bún thang không ai ăn hai bát, bởi làm như vậy là xúc phạm cái hồn thanh đạm của món ăn sánh như một cô gái tuyệt vời tài sắc.
Các món cá miền Trung và nghệ thuật ăn uống Huế
Bún bò Huế
Quá Nghệ An, con heo đã thay thế con lợn cho đến tận Cà Mau. Từ đây phong vị của những người đi mở cõi thắm đượm trong bữa cơm. Đặc sắc địa phương cũng rõ nét ở các món ăn bởi sản vật, thời tiết và nhất là điều kiện sống. Món “cá gỗ” của Nghệ An có lẽ cũng là đặc trưng của nhiều vùng đất hẹp người đông của miền Trung. Với bờ biển dài, bề ngang hẹp của “dằng dặc khúc rụôt miền Trung”, mắm ruốc, cá kho, đã đi vào mâm cơm của số đông thay cho “tương cà gia bản” của truyền thống miền Bắc.
Món cá ngừ kho chan bún, bánh tráng là đặc sản của của dọc suốt duyên hải miền Trung. Nói chung món cá kho miền Trung phần nhiều là cá biển và thường kho lẫn với các loại rau quả như khế, cà chua, thơm, dưa môn, dưa cải, chuối chát, trái vả, dưa hường, mít non…
Món gỏi cũng phần lớn chế biến từ cá biển và các loại hải sản như tôm, mực, nổi tiếng có gỏi cá mai Phan Thiết. Suốt miền Trung cho đến miền Đông Nam Bộ có món gỏi mít non hấp dẫn. Miền Trung còn có món mì Quảng nổi tiếng. Tôi nghĩ, cũng như hủ tíu của Nam bộ, mì Quảng là biến thể của phở, đều từ bột bánh làm bằng gạo chan nước dùng.
Ở vùng biển, tôm cá nhiều, bò trâu ít, phở trở thành món cao cấp nhớ mà thèm, bà con ta đã sáng tạo món mì Quảng, cũng là bánh sợi bột gạo, nhưng nước dùng từ tôm, thịt heo, thịt vịt. Có lẽ để bánh bột hoà hợp được với nước chan chế biến từ hải sản, bột bánh có pha nghệ cho thơm, có màu vàng hài hoà với màu tôm đỏ và làm mất mùi tanh của nước dùng nấu từ các loại hải sản. Mì Quảng thật ngon là loại chế biến từ bột bánh bằng gạo Phú Chiêm, tôm Cửa Đại, rau thơm Trà Quế. Từ đất Quảng, món mì Quảng giành được khẩu vị của tất cả các tỉnh miền Trung và tiến vào Sài Gòn với vị trí đặc sản.
Một trung tâm ăn uống lớn của miền Trung là Huế. Món ăn Huế là sự chọn lọc các món từ đàng ngoài và cải tiến, nâng cao cho phù hợp với thổ nghi, sản vật Huế. Cuộc sống vua chúa với nhu cầu hưởng lạc cao, nhất là sau khi giang san thu về một mối, chính là thời cơ vàng để các món ăn Huế phát triển. Bữa tiệc có hằng trăm đĩa nhỏ đựng các loại thức ăn khác nhau, chế biến khéo léo của xứ Đàng trong còn lưu lại.
Cơm hến Huế
Trong các tập du ký của thương gia phương Tây là hình ảnh phỏng theo các bữa ăn vua chúa. Bữa ăn có rất nhiều món, mỗi món người ăn chỉ nếm một vài miếng. Có thể nói các món ăn Huế là tiêu biểu cho văn minh ăn uống Việt Nam cuối thế kỷ 18 sang thế kỷ 19.
Món ăn Huế được chế biến công phu, tinh tế. Nhiều người cho rằng ăn các món Huế là thưởng thức cái đẹp, cảm nhận cái hồn của Huế không còn thấy cần tìm cái sự no nê. Ngay những thứ như lòng lợn, lòng bò vào tay các bà nội trợ Huế cũng trở thành những mỹ vị cao sang. Miếng cổ hữu lợn trở thành những vòng khuyên nhỏ thơm phức. Miếng lá sách bò hoá những đoá hoa trắng phau ngọt lịm, giòn mềm. Món cá kho của bình dân ba miền khi đến Huế cũng mang màu quý phái: cá bống thê lẫn thịt ba rọi, rau răm, ớt bột, tiêu, đường, nước mắm, nước màu, cho lửa liu riu và còn bí quyết gì nữa đây mà con cá kho khi lên đĩa nhìn trong suốt như hổ phách, đặt đũa lên thấy hơi cứng không vỡ nát.
Có hằng trăm món Huế, nhưng phổ biến rộng khắp không chỉ là những món cao cấp. Ngày nay, cả nước đều biết tiếng mắm tôm chua Huế ăn với thịt heo phay kèm khế, vả và các loại rau thơm. Bún bò Huế, cơm hến, tré, bánh lá… là những món ăn bình dân Huế nhưng ngày nay đã là món đặc sản trong thực đơn các khách sạn sang trọng. Cứ xem những món bình dân Huế cũng thấy được sự chế biến rất công phu. Nước dùng của bún bò Huế có yêu cầu giống như nước dùng của phở phải trong veo và ngọt lịm. Cái khó của nước dùng bún bò Huế là phải làm sao cho đậm vị mắm ruốc mà không hôi ruốc, điều đó đòi hỏi phải có một công đoạn riêng cho việc chế biến nước ruốc (Sách dạy nấu ăn của sở Giáo dục TP.HCM xuất bản chỉ hướng dẫn là “lọc mắm ruốc đổ vào nồi nước dùng”).
Cả nước đều có món mắm tôm chua, nhưng có lẽ hương vị tôm chua Huế đặc sắc hơn là vì sự chế biến qua nhiều công đoạn và gồm nhiều thứ nguyên liệu (rượu, măng vòi, riềng, tỏi, ớt, xôi nếp, nước mắm ngon…). Bánh lá Huế là thứ bánh pha lẫn hai loại bột (bột năng và bột gạo) và hai lần đưa lên bếp (bột trộn gia vị khuấy chín rồi mới đem gói bánh với nhân tôm và đưa lên xửng hấp cách thuỷ). Tôm cho bánh lá cũng được chế biến thành hai loại: tôm chà bông làm nhân bánh và chả tôm để kẹp vào chiếc bánh lá đã hấp chín…
Trên đây chỉ kể sơ lược sự phức tạp của các công đoạn, các thao tác, nhưng điều chủ yếu của các món ăn mang được cái hồn của Huế thì lại lệ thuộc hoàn toàn ở nghệ thuật của các bà, các chị của xứ Huế hào hoa.
Hoang dã và hào phóng: món ăn miền Nam
Lẩu mắm, đặc sản Nam bộ
“Miếng lạ miền Nam”, ông Vũ Bằng viết: “Tôi yêu miếng lạ miền Nam nhiều là vì nó lạ - lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được – và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của người Nam”. Trong sách này, Vũ Bằng kể 8 món (canh rùa, thịt chuột, khô, đuông, cháo cóc, dơi huyết, bò kiến – thịt bò cho kiến bu, tóp mỡ ngào đường) mà ông cho là những món lạ làm cho lòng “thấy thương mến miền Nam, miếng ăn của miền Nam”.
Thật ra, “cái lạ” chỉ là một điểm nổi lên trên cái nền hoang dã. Những người rời quê cũ lên mở cõi, khẩn hoang cùng đất mới gặp biết bao khó khăn, thiếu thốn đâu dễ gì giữ được phong vị quê xưa. Nhớ chiếc bánh đa, nhưng không có cối xay bột bánh tráng, đành phải tìm bọng cây bỏ cơm nếp (cơm nếp mềm dễ giã hơn cơm tẻ) vào giã nhuyễn cán ra thành chiếc bánh phồng. Và chính chiếc bánh phồng hoang dã này đã đẻ ra chiếc bánh phồng tôm công nghiệp ngày nay. Không có nhà cửa khang trang đặt bàn thờ ông bà để xếp lên những chiếc bánh chưng ngày tết, thôi biến chiếc bánh vuông thành chiếc bánh tét tròn và dài, cột từng đôi treo lên chạc cây rừng ở đầu nhà.
Mọi thứ lá rừng, cây hoang nếm thử không ngộ độc thì đều rau ăn. Có những thứ ở Bắc không ăn, nhưng vào đây trở thành rau quý: cây rau tiêu (càng cua), rau giấp cá, rau đắng, lá cóc kèn, cây ngổ đồng, rau dừa, rau mát… Mọi con vật trên rừng, trên đồng, dưới sông, ngoài biển đều là thức ăn. Thịt gà trộn với rau răm, không phải vì người miền Nam muốn tìm một “công thức” mới mà vì lá chanh ở miền Nam không thơm như ở phía Bắc lại có vị đắng. Ốc hấp lá sả là vì lá gừng miền Nam cũng không thơm như lá gừng ở phía Bắc (các nhà hàng ở Hà Nội vào Nam dự hội thi nấu ăn đã mang lá gừng miền Bắc theo để làm món ốc hấp). Nhớ món phở lắm, nhưng thời khẩn hoang trâu bò là sức kéo quý, thôi thì hẵng tìm một công thức mới là “hủ tíu” để tận dụng những nguyên liệu đạm rất dồi dào khác: thịt heo, tôm, cá…
Lòng người miền Nam “ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, cho nên chiếc bánh mật của Bắc hà đến Quảng Nam trở vào mang tên là bánh tổ. Những ngày Tết, ngày giỗ, người miền Nam cố giữ những món truyền thống: thịt nấu măng, thịt phay, cá kho, giò chả, nem, gỏi…
Tuy nhiên, trong từng món cũng đều thấy có sự sửa đổi khác hơn “bản gốc”: do dùng măng tre nên thường là măng tươi, có khi là cổ hũ dừa; thịt phay ăn với mắm thái hoặc mắm nêm; thịt kho nước dừa với cá tôm và trứng vịt luộc… hoang dã và hào phóng là đặc trưng món ăn miền Nam. Cơm tay cầm, cá kho tộ, canh chua, lẩu, lẩu mắm, bánh xèo… là những món miền Nam qua thử thách của thời gian được khẩu vị cả nước chấp nhận cho là đặc sắc.
Cơm nấu trong nồi đất thêm tay cầm để tiện vừa ăn vừa di chuyển, có khi là di chuyển qua kênh mương, nương rẫy. Kho cá trong tộ phản ánh cuộc sống tạm bợ của cảnh sống trên nương, trên ghe, trong những gian “nhà đá” (hôm nay ở ngày mai đá sập bỏ rồi đi).
Miền Bắc, miền Trung đều có món canh chua, nhưng tô canh chua miền Nam khác hẳn về chất và lượng, thể hiện sự trù phú vô cùng của miền đất mới: nước thật chua, cá cắt khúc lớn, các loại quả thơm, cà chua, giá, đậu bắp các loại rau thơm và ớt thật cay.
Còn lẩu mắm ngày nay đã là món ăn cao cấp, người ta đã đưa lẩu mắm như đưa “hương đồng cỏ nội” vào cao lâu, khách sạn. Trong lẩu có nhiều loại cá lại thêm thịt ba rọi, ốc, mực, đậu hũ… thể hiện đầy đủ nét hoang dã và hào phóng. Đĩa rau đếm thấy hơn 20 loại gợi nhớ đĩa rau cũng rất xum xuê đa dạng cho bữa ăn gỏi cổ truyền ở xứ Bắc. Có vài loại rau tầm thường thậm chí không dùng ở xứ Bắc khi vào Nam lại gia nhập những món ăn cao cấp như khổ qua nối thịt hầm, bông bí nhồi thịt hấp. Món mắm của dân Việt vào phía Nam mới phát triển tột bậc. Ngoài những thứ mắm đã có, thêm mắm các loại cá đồng, mắm ba khía, mắm chuột, mắm ruột (ruột và trứng cá)…
Gia vị miền Nam
Món mứt cũng phát triển tột bậc: mứt me, mứt chùm ruột, mứt mãng cầu, mứt dừa… Cá khô cũng phát triển rất nhiều chủng loại như thế. Miền Nam chấp nhận rộng rãi các món ăn từ nước ngoài vào nhưng cái hồn Việt vẫn sâu đậm trong mọi món ăn rất dễ dàng cảm nhận.
Vậy đặc điểm nổi bật, tính thống nhất của các món ăn Việt Nam là gì? Trước hết,có lẽ chúng ta nên nghe ý kiến của một người nước ngoài có hiểu biết về món ăn các nước. Ông Jacques Pepin, một bậc thầy trong làng ẩm thực của Mỹ viết: “Có một sự khéo léo nhất định, một phẩm chất nhất định trong chuyện nấu ăn của người Việt Nam, khiến cho món ăn Việt Nam có một chỗ đứng riêng biệt so với các món ăn phương Đông khác: nước dùng trong, rất ít chất béo, rau thật phong phú, và rất nhiều hương vị rất đặc biệt mà chủ soái là thứ nước mắm (tác giả dùng tiếng Việt chữ nước mắm) nổi tiếng được dùng vừa để làm tăng mùi vừa để nêm và thứ lá sả thơm lừng dùng để nấu nướng và ướp thịt cá cùng cá gia vị hỗn hợp khác”.
Đáng khen ông thực khách đặc biệt này đã nắm được thần thái của các món ăn Việt Nam: nước dùng, nước mắm, gia vị hỗn hợp, rau phong phú.
Còn gì nữa? Người Việt Nam rất chú trọng nước chấm. Thịt lợn luộc phải đi với mắm (mắm tôm, mắm chua, mắm thái…) Thịt bê thui thì với tương gừng, cá lóc nướng trui thì muối ớt hoặc nước mắm ớt, cá trê nước mắm gừng; bún chả nước mắm pha… Nước chấm thì có tương và nước mắm. Ngày nay nước mắm đã đẩy tương từ địa vị “chủ soái” (tương cà gia bản) xuống hàng thứ hai, nhưng nhiều trường hợp nó vẫn rất quan trọng (phở vào Sài Gòn có thêm ba loại tương đi kèm). Khoa ẩm thực Việt Nam đã rất sớm chú trọng khoa học cân bằng giữa các chất trong việc xếp đặt các thức đi với nhau trong cùng một món ăn hoặc trong một bữa ăn. Và món măng là một món có “vai tró thống nhất” trong bữa cơm ba miền, nó có tính cổ truyền nhưng vẫn theo kịp hiện đại, xin các vua bếp quan tâm tạo cho nó một chỗ đứng xứng đáng.
Ơi những món ăn ba miền, những tinh hoa Việt Nam, làm sao dám nói hết chuyện muôn đời và chuyện còn muôn sau!

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

HAPPY BIRTHDAY

HAPPY BIRTHDAY
MANH HUNG

27-11-2010
Chúc bạn một tuổi mới
với nhiều sức khỏe,
niềm vui và thành đạt

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

HAPPY TEACHER'S DAY


NHÂN NGÀY 20-11
THÂN CHÚC CÁC NHÀ GIÁO 15 ANH
CÓ MỘT NGÀY LỄ VUI VẺ VÀ ĐẦY Ý NGHĨA
BÊN GIA ĐÌNH VÀ ĐỒNG NGHIỆP

CHÚC CÁC BẠN LUÔN YÊU ĐỜI, YÊU NGHỀ,
LUÔN GIỮ MÃI TRONG LÒNG NHIỆT TÌNH
NHƯ BUỔI ĐẦU ĐẾN VỚI NGHỀ "GÕ ĐẦU TRẺ"

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

HAPPY BIRTHDAY


HAPPY BIRTHDAY
KIM PHƯỢNG

09 - 11 -2010
WE WISH YOU A NEW AGE
FULL OF
HAPPINESS AND SUCCESS

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM


NHÂN NGÀY 20/10, CHÚC TẤT CẢ CÁC BẠN NỮ LỚP 15 ANH
SỨC KHỎE, HẠNH PHÚC VÀ THÀNH ĐẠT

GÓC SỨC KHỎE

KHỎE ĐẸP NHỜ CHẤT... KHÔNG DINH DƯỠNG



Khi nhắc đến dinh dưỡng của một món ăn, hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến vitamine, năng lượng, chất béo hay chất đạm.

Thật ra, có một chất không biết có nên gọi là chất dinh dưỡng hay không, vì hoàn toàn không tiêu hóa, cũng chẳng được hấp thu, càng không cung cấp bất kỳ một loại dưỡng chất nào, nhưng lại là một thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Đó chính là chất xơ.

Không phải chất xơ nào cũng… xơ và cứng. Trong thực phẩm thiên nhiên có 2 loại chất xơ. Loại thứ nhất là cellulose, loại xơ không tan trong nước, có nhiều trong rau lá, rau củ, ngũ cốc thô có vỏ… Loại thứ hai, là chất xơ nhưng không cứng, vì hút nước và trương nở tạo nên độ sánh, sệt cho thực phẩm. Loại này có nhiều họ hàng như gôm, oligofructose, psyllium…, hiện diện nhiều trong các loại trái cây, rau quả, rau củ...

Các nghiên cứu cho thấy, chất xơ có vai trò quan trọng trong phòng và điều trị bệnh.

- Giảm cân: chất xơ không cung cấp năng lượng nhưng chiếm thể tích lớn nên có tác dụng làm đầy ống tiêu hóa, làm giảm phản xạ đói. Các dạng chất xơ hòa tan như psyllium thường được đưa vào các khẩu phần dùng trong giảm cân.

- Điều hòa hoạt động của hệ tiêu hóa: chất xơ làm căng đầy ống tiêu hóa, kích thích ruột co bóp, qua đó điều hòa hoạt động của ruột. Chất xơ còn là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại.

- Chống táo bón: chất xơ, nhất là loại xơ hòa tan, có tác dụng hút nước làm mềm phân.

- Giảm cholesterol máu và bảo vệ hệ tim mạch: sự hiện diện của chất xơ làm giảm hấp thu cholesterol và chất béo có hại. Các vi khuẩn đường ruột phát triển tốt cũng giúp làm giảm sự tổng hợp cholesterol ở gan.

- Giảm tốc độ tăng đường huyết sau bữa ăn: chất xơ làm chậm tiêu hóa các loại đường phức tạp và chậm hấp thu các loại đường đơn giản, do đó làm giảm tốc độ tăng đường huyết sau ăn.

- Phòng chống ung thư đại tràng: nhờ tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn có hại, môi trường ruột được làm sạch, giảm lượng độc chất ứ đọng do táo bón…

Nhu cầu chất xơ trung bình vào khoảng 20-30g mỗi ngày, tương đương với 200g trái cây và 300g rau củ. Nên ăn nhiều thực phẩm thô như ngũ cốc nguyên vỏ nguyên hạt, thực vật cả xác… Nếu ăn không đủ lượng chất xơ theo nhu cầu, có thể bổ sung thêm các chế phẩm cung cấp chất xơ.

Mặc dù quan trọng và cần thiết, nhưng dùng quá nhiều chất xơ cũng có thể dẫn đến những nguy cơ như làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng hoặc rối loạn tạm thời ở đường tiêu hóa như đầy bụng, tăng hơi trong lòng ruột, tiêu chảy…

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Tìm việc

Minh dang that nghiep, ai co viec gi thi chi giup.

Tuyet Le

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Bánh trung thu rau câu











Bánh nướng, dẻo là món quà quen thuộc trong dịp trung thu, nhưng bạn đã bao giờ thử bánh trung thu từ rau câu chưa. Vỏ bánh giòn mát, không quá ngọt,nhân bánh mềm mịn, đầy đủ vị truyền thống.
Nguyên liệu:Vỏ:(cho khoảng 15-20 bánh ) - 1 gói bột rau câu 25g - 2 lít nước - 400g đường - Ít sữa đặcNhân:
- 1kg đậu xanh cà - 5 lon sữa bò nước - 1kg đường - 1/2 chén dầu ăn - 200g mứt bí xắt hạt lựu - 200g mứt gừng cắt sợi - 200g hạt dưa - 200 mè trắng - Vài giọt tinh dầu hoa bưởi - 15-20 lòng đỏ trứng vịt muối (luộc chín trứng, lấy tròng đỏ) * Khuôn nhựa, loại khuôn có đáy rời là tiện nhất
Vỏ bánh có thể trong suốt nhìn được
cả nhân bên trong, rất thú vị

Cách làm:

Nấu đậu xanh trong nước cho mềm.
Dùng thìa to đánh đậu xanh thật nhuyễn. Sau đó cho đường vào, quậy đều tay cho đến khi vón 1 ít lên xem, thấy đậu xanh mềm, mịn và trong là được.
Cho 1/2 chén dầu ăn vào trộn đều, lửa thấp.
Sau cùng thì cho mứt bí, mứt gừng, hạt dưa và mè rang vào, nhỏ vài giọt tinh dầu hoa bưởi trộn đều.
Nhắc ra khỏi lửa.
Chia nhân làm 15-20 viên, kèm lòng đỏ trứng muối vào giữa.

Rau câu ngâm với 2 lít nước độ 15 phút cho tan, sau đó đun sôi cho thật trong, để lửa nhỏ lại, cho hết sữa + đường vào nấu cho tan, hớt bọt.

Đổ rau câu vào 1/2 khuôn, chờ cho rau câu nguội lại thành dung dịch sền sệt, đặt khối nhân đã vo tròn (hay nặn thành hình vuông tùy theo khuôn) vào giữa rồi đổ nhè nhẹ phần rau câu còn lại cho đầy khuôn …để khuôn bánh trước quạt máy hoặc ngâm vào khay có nước + đá khoảng nửa giờ cho thật nguội, rau câu đông cứng lại, rồi hãy trút bánh ra khỏi khuôn. (loại khuôn có đáy rời sẽ dễ lấy bánh ra hơn bằng cách xoay 1 vòng lấy đáy khuôn ra, dùng tay đẩy bánh ra đĩa nhanh gọn).

Khi trút bánh ra, bánh sẽ có màu trắng đục nhìn như bánh dẻo trung thu, nhưng ăn ít ngán hơn và cũng lạ miệng hơn.

Chúc bạn thành công. Và sau đây là một số loại bánh trung thu rau câu hấp dẫn để bạn "thưởng thức no mắt" trước nhé:
Bánh đậu xanh trứng mặn
Hay bánh cá chép nhân đậu đỏ

Có cả vị khoai môn

Bánh trung thu thanh long nữa

Màu vàng vị hoa quả

Cho đậu đỏ vào phần vỏ luôn, cũng ngon tuyệt đấy

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

HAPPY BIRTHDAY


HAPPY BIRTHDAY
THIÊN KIM
18-08-2010
Mong sao tuổi mới sẽ mang đến cho bạn thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

MẸO VẶT

Một vài mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp công việc bếp núc của bạn được dễ dàng hơn.

Báo cũ


Dùng báo cũ để lau chùi thành nhà bếp, đảm bảo góc bếp sẽ trắng sạch không kém gì dùng chất tẩy rửa thông thường. Báo cũ có thể dùng để bọc trái cây trước khi cất vào trong tủ lạnh, lớp báo cũ sẽ giữ nước, giúp trái cây tươi lâu hơn. Bạn cũng có thể lấy báo cũ bọc bên ngoài mỗi cuốn sách rồi mới xếp chúng lên kệ, làm như thế sách sẽ không bị ố vàng theo thời gian.

Chanh

Ngâm chanh trong nước ấm trước khi cắt và ép bạn sẽ tận dụng được tối đa lượng nước cốt. Sau khi cắt tỏi hoặc hành tây, dùng lát chanh tươi chà trên mặt dao, mùi hành sẽ bay đi hết. Dùng vỏ chanh vắt hết nước đặt trong những chiếc nồi đã xỉn màu, đun sôi với nước, đảm bảo nồi của bạn sẽ trắng sạch như mới.

Giấm

Một thìa cà phê giấm cho vào dầu trong khi chiên thức ăn sẽ ngăn dầu ngấm sâu hơn vào món ăn, bạn sẽ không phải lo lắng mỗi khi ăn các món chiên giòn.

Khử mùi

Để khử mùi tanh còn lại trong những chảo đã chiên cá, bạn hãy cho bã trà khô vào chảo, đun sôi với một ít muối trong khoảng 5 phút – mùi tanh sẽ không còn.

Khử mùi cho lò nướng: bạn hãy đặt một tô nước trà ấm pha thêm nước cốt chanh hoặc giấm vào trong lò, khoảng một giờ sau mùi khó chịu sẽ bay đi hết.

Tủ lạnh sau một thời gian sử dụng sẽ có mùi đồ ăn, bạn nên thường xuyên đặt những mẩu bánh mì tươi vào trong tủ để bánh mì hút hết mùi khó chịu.

Muối


Để ngăn việc hình thành những tảng băng trong ngăn đá tủ lạnh hãy chà muối lên thành các ngăn đá. Thêm một ít muối vào nước rửa ly thủy tinh hay sành sứ sẽ làm cho đồ dùng của bạn lấp lánh hơn.

Ớt

Để giữ cho ớt tươi trong một thời gian dài, bạn đừng lột cuống ra khỏi quả. Nếu muốn để lâu, có thể cất giữ trên ngăn đá tủ lạnh.

Phô mai

Để cắt phô mai thành những sợi theo ý thích, hãy đặt vào ngăn đá khoảng 30 phút. Phô mai sẽ cứng lại giúp bạn dễ dàng tạo hình.

Súp

Nếu món súp của bạn có độ sệt chưa như ý, bạn có thể nghiền nhuyễn một củ khoai tây luộc cho vào hoặc thêm bột đao.

Trái cây khô

Để cắt trái cây khô, hãy đặt chúng trong tủ lạnh khoảng nửa giờ, sau đó dùng dao cắt bình thường.

GÓC SỨC KHỎE

BẢY LOẠI HOA QUẢ GIÚP CHO PHÁI ĐẸP GIẢM SỐ ĐO

(Ảnh minh họa: Internet)

Bảy loại quả gồm táo, bưởi, cà chua, dứa, chuối, Kiwi và chanh được cho là giúp phái đẹp giảm số đo hữu hiệu.

1. Táo

Vài năm trước đã có chuyên gia thực hiện một nghiên cứu về giảm cân với táo, lúc đó táo đã trở thành một loại quả được chị em phụ nữ đưa vào kế hoạch giảm cân của mình.

Táo chứa một lượng chất hóa học phong phú, có thể giúp ruột thực hiện các tổng hợp, tăng nhanh hiệu quả của quá trình tiêu độc và giảm sự hấp thụ nhiệt. Ngoài ra, lượng kali trong táo cũng rất lớn, có thể phòng chống việc phù chân. Ăn táo làm cho ta có cảm giác cần năng lượng lại không nhiều.

2. Bưởi

Axit trong bưởi có thể làm tăng lượng dịch tiêu hóa, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, lại dễ tiếp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra bưởi còn chứa một lượng Vitamin C phong phú, thông thường một quả bưởi sẽ chứa 100ml Vitamin C.

Bưởi không chỉ giúp cơ thể giảm mệt mỏi, nó còn tốt cho da phụ nữ và quan trọng là bưởi chứa một lượng đường rất ít.

Nếu bạn gái nào sợ vị chua của bưởi thì có thể thêm vào vài giọt mật ong.

3. Cà chua

Nếu xét chặt chẽ hơn thì cà chua phải được xếp trong nhóm rau củ mới chính xác. Cà chua chứa nhiều chất xơ và các thành phần hóa học có thể làm giảm lượng calo hấp thụ, thúc đẩy sự co bóp của dạ dày.

Thêm vào đó, vị chua đặc biệt của cà chua còn có thể kích thích dịch vị dạ dày, thậm chí còn làm tăng hương vị của món ăn.

4. Dứa

Bạn đã từng nghe ai đó nói rằng dứa là một loại quả rất “sắc” cần ăn sau bữa cơm thì mới không gây hại cho dạ dày. Cách nói này xem ra cũng rất hợp lý bởi vì Enzyme phân giải Protein của dứa rất mạnh.

Mặc dù có thể giúp protein của các loại thịt tiêu hóa nhưng nếu ăn dứa trước bữa cơm sẽ rất dễ gây tổn thương cho thành vị. Do đó chị em phụ nữ sử dụng dứa cho việc giảm cân nên chú ý thời gian ăn dứa sao cho hợp lý.

5. Chuối

Chuối có chứa một lượng chất xơ, Vitamin C, kali phong phú do đó chuối rất có lợi trong việc xử lý ruột, săn chắc các cơ thịt, lợi tiểu. Ngoài ra nó còn tốt cho việc giúp da chống khô.

Thành phần chủ yếu của chuối là Carbohydrate, sau khi ăn xong có thể tiêu hóa ngay, bổ sung thể lực gấp. Hơn thế, chuối làm cho cơ thể có cảm giác no dù chỉ ăn một quả, lượng calo trong chuối tương đối thấp.

Vị ngọt của chuối làm cho nhiều người nghĩ rằng chuối không có lợi trong việc giảm cân nhưng các chuyên gia đã chứng minh đây là một cách nghĩ sai lầm.

6. Kiwi

Kiwi có chứa một lượng VitaminC tương đối lớn, vì vậy nó luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những chị em thích làm đẹp.

Kiwi là loại quả có chứa nhiều chất xơ nhất trong các loại hoa quả và chứa một lượng kali phong phú. Do đó nó được xếp vào hàng các loại quả có mặt trong thực đơn giảm cân của phụ nữ.

Enzyme phân giải Protein của Kiwi cũng rất mạnh, vì vậy dùng Kiwi kết hợp với các món ăn có thịt là rất hợp lý. Bên cạnh đó, Kiwi mang một chút chua đặc biệt rất có lợi cho cơ thể khi đang bị táo bón, giúp tiêu hóa dễ dàng, làm đẹp da. Chị em phụ nữ đều có thể thưởng thức Kiwi trong bốn mùa.

7. Chanh

Vị chua của chanh chủ yếu là do Axit Citric, Axit Citric thúc đẩy quá trình chuyển hóa nhiệt và có công dụng trong việc giảm mệt mỏi.

Mọi người đều biết chanh chứa rất nhiều Vitamin C vì thế chị em phụ nữ thường dùng chanh để làm trắng da. Chanh còn có công dụng trong việc co bóp ruột, rất tốt cho việc giảm cân

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

GÓC ẨM THỰC

CÁCH NẤU ĐƠN GIẢN CÁC MÓN CHÁO NGON VÀ MÁT


Đối với các món cháo mùa hè, ngoài gạo ra, các thực phẩm phối thuộc phải có tính thanh nhiệt và thanh đạm nhằm giúp cho cơ thể chống đỡ được với điều kiện thời tiết hết sức nóng bức, Đông y gọi là “thời khí có tính viêm nhiệt”.

Một số cháo thanh nhiệt dẫn ra dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vần đề này:

Bài 1: Đậu xanh 30g, lá sen tươi l/4 lá, gạo tẻ 100g

Đậu xanh loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cho vào nồi nấu trước. Khi chín, tiếp tục cho gạo tẻ đã vo sạch và lá sen tươi vào nấu nhừ thành cháo loãng, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát.

Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử và bồi bổ sức khỏe. Với những người thừa cân và béo phì, loại cháo này còn có tác dụng điều hòa rối loại lipid máu, làm giảm cân nhẹ người. Chú ý: đậu xanh phải để nguyên cả vỏ.

Bài 2: Dưa hấu 1.000g, cát cánh 25g, đường phèn 100g, gạo tẻ 100g

Dưa hấu bỏ hạt, thái vụn; cát cánh thái miếng nhỏ như hạt gạo; gạo tẻ vo sạch ngâm nước cho trương lên. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ rồi ninh nhừ thành cháo. Mỗi ngày ăn một vài bát.

Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu và làm hết khát. Trong dược học cổ truyền, dưa hấu được mệnh danh là “thiên nhiên bạch hổ thang”, ý muốn nói: loại dưa này có tác dụng thanh nhiệt mạnh như bạch hổ thang, một bài thuốc điển hình thuộc nhóm thanh nhiệt tả hỏa.

Bài 3: Bí xanh tươi cả vỏ 100g, gạo tẻ 50g

Bí xanh rửa sạch thái miếng nhỏ, gạo tẻ vo sạch, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.

Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng và làm hết khát; rất thích hợp với những người thừa cân béo phì, người bị phù nề, đái tháo đường, cảm nắng cảm nóng, viêm đường tiết niệu, trẻ em bị bệnh ngoài da trong mùa hè.

Bài 4: Mía tươi 250g (có thể thay bằng nước mía ép 100 - 150ml), gạo tẻ 50g

Mía rửa sạch, róc vỏ, cắt đoạn chẻ nhỏ rồi đem ninh với gạo tẻ thành cháo. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 bát.

Công dụng: thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận phế hòa vị, trừ phiền làm hết khát, bồi bổ sức khỏe và phòng chống táo bón; rất thích hợp cho trẻ biếng ăn, nóng sốt, bị bệnh ngoài da trong mùa hè và những người bị bệnh đường hô hấp và táo bón.

Bài 5: Bột sắn dây 50g (có thể dùng củ sắn dây 100g thay thế), đậu xanh để cả vỏ 50g, gạo tẻ 50g

Gạo tẻ vo sạch đem ninh với đậu xanh thành cháo. Khi chín, đổ bột sắn dây đã hòa nước vào, khuấy đều, đun thêm một lát là được (nếu dùng củ sắn dây thì cho vào ninh ngay từ đầu).

Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi thủy, giải khát; rất thích hợp với người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thiểu năng tuần hoàn não trong mùa hè.

Bài 6: Bạch linh tán bột 20g, đậu đỏ 50g, ý dĩ 20g

Đậu đỏ rửa sạch, ngâm nước nửa ngày rồi đem ninh với ý dĩ cho nhừ, tiếp đó cho bột bạch linh vào đun thêm một lúc là được. Khi ăn cho thêm một chút đường trắng, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát.

Công dụng: kiện tỳ trừ thấp, thanh nhiệt giải độc; rất thích hợp cho những người bị bệnh gan mật, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng mạn tính, biếng ăn trong mùa hè.

Bài 7: Đậu ván trắng tươi (bạch biển đậu) 120g (nếu dùng khô thì 60g), gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ

Đậu ván rửa sạch rồi đem ninh với gạo thành cháo, (nếu là đậu ván khô thì phải ngâm nước qua đêm), chế thêm đường, chia ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.

Công dụng: thanh thử hóa thấp, kiện tỳ chỉ tả (cầm đi lỏng); rất thích hợp cho những người tỳ vị hư nhược, đi lỏng mạn tính, phụ nữ bị khí hư, trẻ em hay nôn và biếng ăn về mùa hè.

GÓC NỘI TRỢ

MÓN NGON TỪ CÀ RỐT
Cà rốt chứa nhiều vitamin A, E có lợi cho mắt, các chất protid, lipid, glucid, chất xơ, nguyên tố vi lượng rất tốt cho sức khỏe. Vì những lợi ích đó, các nhà khoa học khuyến cáo mỗi người một tuần nên ăn từ một đến hai lần cà rốt.

1. Cà rốt hầm thịt bò

Với nguyên liệu chính là cà rốt và thịt bò, sau 1 giờ chuẩn bị, bạn có thể có món cà rốt hầm thịt bò ngon lành cho 4 người dưới đây.

Nguyên liệu:

- 400 gr cà rốt gọt vỏ cắt khúc vừa ăn.
- 300 gr khoai tây.
- 600 gr thịt bò thái hạt lựu lớn.
- 1 muỗng canh dầu ăn.
- 1 củ hành tây lột vỏ, xắt nhỏ.
- 1 muỗng canh cà chua nghiền.
- 1 muỗng đường.
- 150 gr đậu Hà Lan.
- 1 muỗng café bột mì.
- Gia vị: tiêu xay, muối, bột nêm.

Thực hiện:

Đun nóng dầu trong nồi, trút thịt bò vào xào săn, nêm chút gia vị cho thấm. Cho tiếp cà rốt và khoai tây vào xào, khoảng 5 phút sau mới nêm cà chua, đường, tiêu, muối, nước lọc vào vừa ngập mặt thịt.

Ninh khoảng 15 phút, cho thêm đậu Hà Lan vào, để lửa riu riu cho sôi thêm 10 phút nữa là nhừ. Muốn món hầm có độ sệt thì quấy thêm bột mì với một ít nước lạnh cho vào, đảo nhẹ tay.

Trước khi tắt bếp cho hành tây vào, nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn.

2. Cà rốt xốt nước cam

Nguyên liệu:

- 750 gr cà rốt.
- 500 ml nước cam ép.
- 1 muỗng bơ.
- Muối và hạt tiêu vừa đủ.

Thực hiện:

Cà rốt cạo sạch lớp vỏ bên ngoài. Rửa sạch, để ráo nước.

Để nguyên củ xếp vào một âu lớn. Cho, bơ, muối, tiêu, vào đảo đều, sau đó rưới nước cam ép lên trên. Đặt âu này trên vỉ hấp cách thủy trong 1 giờ đồng hồ.

Mở nắp dùng que xiên, thấy cà rốt nhừ và nước cam đặc thành xốt ở dưới là được.

Có thể bỏ trong tủ lạnh dùng dần. Khi ăn nhớ phết xốt cam lên trên.

3. Nước ép cà rốt

Chỉ cần hai củ cà rốt và 15 phút chuẩn bị bạn có thể có một ly nước ép tốt cho sức khỏe, giúp tiêu tan mệt mỏi, làm tinh thần minh mẫn hơn.

Nguyên liệu:

- Cà rốt 2 củ.
- Đường, nước cốt chanh, mật ong: mỗi thứ 1 muỗng cà phê.

Thực hiện:

Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch cho vào máy xay ép lấy nước.

Cho đường, nước cốt chanh, mật ong vào khuấy nhẹ, rót vào trong ly cổ cao, cho thêm vài viên đá nhỏ.

Nước ép này rất tốt cho những người làm việc với máy tính nhiều.

GÓC ẨM THỰC

RAU CÂU NHÂN FLAN


Để làm rau câu nhân flan, bạn phải làm bánh flan trước, sau đó đổ rau câu

A. Bánh flan

Nguyên liệu:

• 10 lòng đỏ trứng gà.

• 550ml sữa tươi nguyên kem.

• ½ hộp sữa đặc có đường, loại nguyên kem.

• 100g đường.

• 15 khuôn bánh flan nhỏ.

Thực hiện:

• Cho đường + 1 chén nước nhỏ vào nồi, thắng làm đường caramel (tương tự như làm nước mầu). Khi đường thành mầu nâu, chia đều vào các khuôn bánh flan. Đường sẽ nguội nhanh và đóng thành một lớp cứng dưới đáy khuôn.

• Lòng đỏ trứng gà quấy (không đánh nổi) cho tan với sữa đặc có đường. Cho thêm sữa tươi vào quấy đều.

• Múc vào từng khuôn bánh (khỏang 4/5 khuôn là được). Cho vào xửng hấp chín, giữ lửa trung bình, khoảng 20 phút . Bánh chín, để nguội cho vào tủ lạnh.

B. Rau câu

Nguyên liệu:

• 20g rau câu bột (agar agar).

• 1 lít nước.

• 250g đường.

Thực hiện:

• Hòa tan rau câu + nước, để khoảng 15 phút cho rau câu nở hết. Đặt lên bếp quấy nhỏ lửa đến khi sôi, nhúng đũa vào lấy ra mà không thấy rau câu bám vào đũa là được.

• Cho đường vào, nấu sôi trở lại. Tắt bếp và giữ nóng suốt quá trình đổ bánh.

C. Rau câu nhân flan

• Dùng khuôn nhỏ đổ rau câu (chọn hình thức khuôn tùy ý).

• Trước hết đổ một lớp rau câu trong, dầy khoảng 1/5 khuôn. Để cho rau câu se mặt (kiểm tra bằng cách nghiêng khuôn, không thấy rau câu sóng sánh là được).

• Lấy khuôn flan đã ướp lạnh, dùng dao lách quanh khuôn bánh, nhẹ nhàng úp khuôn bánh vào khuôn rau câu (sẽ có một ít đường caramel tràn ra khuôn).

• Múc rau câu còn đang nóng (không sôi) đổ vào khuôn, rau câu còn nóng sẽ kết dính ngay vào lớp rau câu se mặt bên dưới và bao phủ hết lớp bánh flan. Để nguội, cho vào tủ lạnh. Khi ăn dọn dùng được ngay.

Lưu ý: Khuôn bánh flan phải nhỏ hơn khuôn rau câu (vì dùng flan làm nhân). Khuôn làm rau câu cũng không nên quá lớn, để khi ăn có thể dọn mỗi phần đều có nhân flan chính giữa.


Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

CƯỜI CHÚT CHƠI

Thư gửi bạn

Gửi ông!

Tôi vừa nhận được thiệp mời của ông cách đây 2 phút. Thế là tôi sắp toi vài lít, còn ông sắp toi cả cuộc đời...

Giờ này tôi có khuyên nhủ chắc cũng không nhằm nhò gì, bởi khi ông trao nhẫn cưới cho vợ ông cũng có nghĩa là vợ ông đã xỏ nhẫn cưới vào... mũi ông (Đấy, chúng ta luôn thua từ khi trọng tài thổi còi bắt đầu hiệp đấu).

Chỗ bạn bè, tôi muốn ông chuẩn bị tinh thần để hiểu hai từ khác âm nhưng đồng nghĩa: “lấy vợ” và “đi tù”.

Mụ vợ tôi (thư này dành riêng cho ông nên tôi gọi như vậy, nếu mụ ấy biết thì tôi từ án treo chuyển vào trại, từ 6 tháng chuyển sang chung thân, từ chung thân đến tử hình... mong ông giữ mồm, giữ miệng cho), mụ vợ ông và các mụ vợ trên đời tuy không cùng cha, cùng mẹ nhưng đều giống nhau bởi dòng máu chiếm hữu lúc nào cũng chảy rần rật.

Mụ ấy đổ đồng tình yêu và sự chiếm hữu. Cái thân xác này, mụ chiếm hữu đã đành, nhưng cái khoảng thời gian bé tí tẹo vênh ra vào giữa giờ ăn trưa cũng bị mụ kiểm soát chặt chẽ. Giờ trưa nghỉ ngơi tí chút, Yahoo Messenger phải vàng khè, thi thoảng mụ xì-pam một cái. Không thấy thì mụ gọi điện thoại, gọi bàn, di động, không được thì mụ gọi cho đồng nghiệp. Ông có tin không, 8 năm nay, chưa bao giờ tôi thoát khỏi tầm mắt mụ. Mụ gọi thế là yêu, là quan tâm, lo lắng...

Mỗi lần thông báo đi công tác là tôi phải lấy tinh thần, mở miệng như người có lỗi và y rằng mặt mụ dài như cái bơm. Mụ buồn vì không có chồng trong 2,3 ngày, còn tôi như mở cờ trong bụng vì không “bị” yêu thương, lo lắng ít nhất trong 48 giờ.

Mụ thuê ô-sin để trông con, còn mụ rảnh rang để... trông tôi.

Năm thì mười hoạ mụ mới cấp cho cái “quota” được đi bù khú với đám bạn... 10 năm không gặp. Mà đám bạn đó, ai, ở đâu, làm gì, điện thoại bi nhiêu... mụ đều lưu trong bộ nhớ phi thường mà đôi khi tôi nghĩ người trần không mấy ai có. Và suốt cái buổi nhậu hiếm hoi ấy mụ cứ réo rắt gọi. Nghe ồn ào thì mụ hỏi: “Tại sao ồn thế, có phải nhậu xong rồi rậm rật đi karaoke bàn tay vàng?”, im lặng thì mụ dán tai vào, rít lên: “Tại sao yên tĩnh, có phải rửng mỡ mò vào nhà nghỉ?”. Nếu đêm đó tôi mà về muộn thì quả là thảm kịch. Biết mình có lỗi, tôi rón rén bước vào nhà, vén màn thất kinh khi thấy mụ tóc tai dựng đứng, mắt thâm quầng, ngồi nhìn trừng trừng lên trần nhà (sau này tôi mới biết mụ quả là cao tay, mụ vẫn ngủ, ngáy ngon lành, nhưng khi nghe tiếng kẹt cửa, mụ ngồi phắt dậy, xõa cho tóc tai dựng ngược, quệt tí phấn mắt màu chì vào quanh mắt, rồi ngồi chờ chồng như thể từ kiếp trước). Cho dù, có mệt rã rời vì bia rượu, tôi vẫn cố gắng trả đủ bài vì đó là phép thử của mụ. Vậy mà sáng sau, chưa kịp hồi sức, đã nghe thấy tiếng mụ cha chả, xoong nồi xủng xoảng, mụ quát chó, chửi mèo, đánh con chí chóe...

Và tôi, cố lết tấm thân xác bèo nhèo - 8 năm trước còn lịch lãm, hào hoa nhất lớp (ông biết mà) - dắt xe ra khỏi cửa, đứa lớn ngồi sau, đứa bé ngồi trước (mà vẫn thò tay cấu nhau), khăn bịt mặt, nón trùm đầu, sữa, cặp sách... lôi thôi như dân tị nạn.

Than ôi, làm người đã khổ, làm chồng còn khổ hơn gấp bội!

Đôi khi (nhất là khi tôi nộp cho mụ một cục tiền), mụ cũng nới chút đỉnh cho tôi “thở”, nhưng cũng chỉ là “thở hắt”, nhất quyết không cho “thở dài”.

Về nhà, nếu tắt điện thoại thì mụ tra: “Sợ em nào gọi hay sao mà tắt”, nhưng cứ có điện thoại gọi đến là tôi giật mình thon thót. Không nghe cũng chết mà nghe thì con người mất hết văn minh, lịch sự. Tôi phải nói thật to, càng ông ổng càng tốt, càng thô bạo (mày, tao, ông, tôi) càng tốt, đi lại thật hoành tráng, vung chân, vung tay dù có khi đầu dây bên kia chỉ hỏi mỗi câu: tài liệu để đâu? Nếu tôi nói nhỏ thì mụ sẽ cho là có vấn đề, mụ sẽ khảo, sẽ tra cả đêm cho ra vấn đề... vì sao nói nhỏ.

Thực ra mụ (và các mụ) lo hơi thừa, thân thủ phi phàm như các mụ thì tôi (và chúng ta) là vỏ quýt chứ có là vỏ dừa mụ đâm cũng thủng.

Ông có biết, khi về nhà bộ mặt của lũ chúng ta phải thế nào các mụ mới hài lòng không? Câu hỏi không bao giờ có đáp án, bởi:

Nếu ông cáu gắt: Mụ cho là ông có bồ ruồng rẫy vợ con.
Ông vui vẻ: Mụ cho là ông có bồ nên phởn phơ, hứng chí.
Ông chu đáo: Mụ cho là ông có bồ nên thấy cắn rứt, hối hận.
Nói chung, trong mắt các mụ vợ tự cho mình là Sơ-lốc Hôm, kiểu gì ông cũng “phải” có bồ.

Mụ xấu cũng bảo tại chồng, già cũng bảo tại chồng (thời gian mụ dành để quản thúc đâu có chịu vào sa-lông làm đẹp bao giờ). Tuần rồi, xem chung kết hoa hậu, tôi toàn nhìn... ngón chân cái, thi thoảng mới dám liếc trộm mấy em. Triết lý cơm-phở luôn đóng đinh trong đầu mụ, mà mụ đâu có biết cơm có thể ăn cơm nguội hoặc chiên, chứ phở có ai ăn nguội hay chiên bao giờ. Cơm dù không ngon nhưng ngày nào người ta cũng có thể ăn, còn phở thì ai có thể xơi triền miên.

Nói chung, lấy vợ là đi tù, đó là chân lý (dù rằng ông vẫn một lòng yêu quản giáo). Ông cứ chuẩn bị tinh thần đi, cái gia đình lý tưởng mà ông mơ ước rồi sẽ thành cái cối xay 1 chức năng, xay hết mọi ước mơ trai trẻ thành món sinh tố bèo nhèo.

Hôm nay, tôi có hẳn 1h tự do, dĩ nhiên tôi phải nói dối mụ, phải huy động bạn đồng nghiệp, phải lạy lục em lễ tân để lỡ mụ có kiểm tra. Nhưng tôi mất 25 phút viết thư cho ông, còn 35 phút nữa tôi phải đi lai rai cốc bia với bạn bè trước khi... chui về lồng.
Giờ này năm sau, nếu ông quá bức xúc, cứ đến tôi, tôi chỉ cho ông cách khởi nghĩa mà không bị dìm vào bể máu.

Tôi đi đây. Không, tôi bắt đầu khởi nghĩa đây. Cũng phải chọn quán bia gần gần, vì còn cái đồng hồ công tơ mét nữa chứ...

Chào ông,
Mr. Lịch Lãm

Tái bút:

Có lẽ mấy câu ngày xưa nên sửa thành:

Bây giờ anh đã là chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra?

mới hợp thời, hợp cảnh

THƠ... THẨN

Có một anh nông dân mới cưới vợ đã có việc phải đi xa. Sau vài tháng, cô vợ gửi thư cho chồng, nội dung như sau:

"Đám ruộng hai bờ ở đầu hông
Lâu ngày không cấy vẫn để không
Nước non vẫn đủ, cỏ mọc tốt
Nhờ người cày hộ có được không?"

Ông chồng đọc xong trả lời:

"Đám ruộng hai bờ là của ông
Cho dù không cấy vẫn để không
Mùa này không cấy chờ mùa khác
Nhờ người cày hộ chết với ông"

Đọc thơ của ông chồng xong, vợ nóng lòng quá nên gởi thơ tiếp:

"Ruộng để lâu ngày cứ bỏ không
Hạ đi thu đến sắp lập đông
Cỏ xanh cũng lạnh dần héo úa
Thợ cày đầy rẫy chẳng tính công "

Ông chồng hồi đáp:

"Biết là ruộng lâu ngày trống không
Cỏ dại um tùm mọc mênh mông
Nhưng mà tụi nó cày tệ lắm
Kỹ thuật thua ông, có biết không ?"

Bà vợ rằng:

"Ruộng vẫn nơi này quá mênh mông
Sao chẳng gieo đi kiếm vài đồng
Ông về vẫn đó chi mà ngại
Mùa ông thu hoạch khỏi tốn công"

Chồng tiếp bực mình:

"Này này ông nói có nghe không
Ruộng ông, ông kệ cứ chơi ngông
Khi nào ông rảnh ông gieo giống
Còn không kẻ khác cấm cho trồng "

Bà vợ chịu không nổi... gửi tiếp :

"Ông à... cỏ dại lên quá mông
Dân cày quê mình cứ ở không
Thôi tui làm phước cho họ cấy
Ông về thu hoạch... thế là xong"

Ông chồng càng tức giận hơn:

"Cỏ dại có mọc lên quá mông
Thì bà vẫn cứ phải để không
Ông mà biết được bà cho cấy
Ông vể nhổ sạch thế là... xong"

Bà tiếp:

"Ruộng kia cỏ đã mọc đầy đồng
Ông về gấp gấp có nghe không?
Ruộng đang thiếu nước, lại khô cạn
Ông về tưới hộ tôi trả công!"

Chồng nghe thế liền gởi lại:

"Ừ thì bà ráng mà kiềm lòng
Bà mà léng phéng chết với ông
Ông về ông cấy cho tơi xốp
Cho thỏa bao ngày bà đợi mong"

Hôm sau, chồng nhận đc thư vợ như sau:

"Luật mới ban hành ông biết ko?
Ruộng mà không cấy sẽ sung công
Vậy ông thu xếp mà về sớm
Kẻo mất ruộng rồi, ông trách ông"
__________________

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

NHỚ 15 ANH

VUI NGÀY HỌP MẶT

Vậy là ngày họp mặt đã đến. Không biết các bạn thấy sao, còn mình cứ mong mãi, dù là rất bận rộn.

10 giờ 30, Tuyền và Yến có mặt tại nhà hàng Lộc Phố. Chị Lê, Tuyết Phượng và Yến Kiều cũng đã đến rồi. Bà chị nhà mình dễ thương ghê, đi Phan Rang chơi mà cũng không quên mua mật dâu về đãi đám đàn em nhí nhố. Cảm ơn chị Lê nhiều nhé!

Hai bạn Tuyết Phượng, Bé Sáu năm nay cũng tranh thủ về dự họp lớp. Tuyết Phượng vẫn nhỏ nhắn, dễ thương như ngày nào. Bé Sáu ốm hơn, nhưng vẫn là cô bạn hiền lành, mộc mạc như thời đi học. Mình rất thích bao lôm chôm mà bạn đã cất công chở đến. Ăn lôm chôm đó sao thấy ngon lạ lùng. Thiên Phú cũng dự họp mặt lần đầu, mong rằng bạn sẽ "phát huy" việc "tháo cũi sổ lồng" vào những năm sau nhé! Một thành viên mới là bạn Thanh Tâm, một gương mặt quen thuộc của 15 Anh xưa. Bạn vẫn như trước, chỉ hơi "rám nắng" hơn thôi. Nhìn các bạn, mình cảm thấy rất vui. Nếu không có buổi họp lớp này, làm sao tụi mình gặp được nhau đây?

Quí Thầy Cô đến. Cô Khánh Linh vẫn nhẹ nhàng như xưa. Dường như thời gian không hề "chạm" đến Cô. Cô vẫn là Cô chủ nhiệm xinh đẹp, hớp hồn tụi em trong buổi học đầu tiên. Cô Út Vy vẫn nhanh nhẹn như ngày nào. Cô có biết những ngày còn đi học, các môn "Nghe", "Ngữ âm" là những môn "khó xơi" với tụi em, nhưng dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của Cô, tụi em đã vượt qua được một cách nhẹ nhàng. Giờ đây, mỗi khi gặp khó khăn trong nghề nghiệp, em lại nhớ về Cô và như được tiếp thêm nhiều nghị lực, vượt qua mọi hỉ, nộ, ái, ố của nghề. Cô Nguyệt vẫn "chân quê" như xưa, chỉ hơi tròn hơn một tí. Trước đây, tụi em thích giờ "Nói" của Cô lắm, vì nó dễ dàng, không phải động não nhiều như các giờ học khác. Sau này khi đi dạy, em mới thấy việc thuyết phục học sinh mở miệng là cả một vấn đề, giúp các em nói tốt, tự tin lại là vấn đề nan giải hơn. Chúng em cũng không quên Cô Phương Anh, cô giáo nhỏ nhắn nói giọng miền Trung thật dễ thương. (Thật ra, tụi em vẫn thấy Cô nói tiếng Anh dễ nghe hơn tiếng Việt. Hi hi...) Không mời được Cô tham dự họp lớp lần này, chúng em cứ tiếc mãi. Mong sao chúng em có dịp gặp lại Cô. Và thật thiếu sót nếu không nhắc đến Thầy Minh, thầy chủ nhiệm năm cuối của chúng em. Giữa bao khó khăn thời ấy, Thầy vẫn đến lớp, vẫn truyền đạt bao kiến thức cho chúng em. Chắc sẽ không ai quên được bài hát "We shall overcome" mà Thầy dạy năm nào. Thầy bây giờ đang ở đâu? làm gì? sức khỏe ra sao? Chúng em cũng mong gặp lại Thầy lắm!

Thầy Hùng, Thầy My, Thầy Nguyên vẫn lạc quan, phơi phới như ngày nào. Sau bao năm không gặp mặt, chúng em phát hiện ra Thầy Nguyên có nghề tay trái là xem bói (!!?) Cả buổi họp mặt, thầy chăm chỉ xem bói cho rất nhiều bạn 15 Anh. Đúng, sai miễn bàn, chỉ thấy thật là vui. Năm sau thầy lại tiếp tục gieo quẻ cho tụi em, Thầy nhé!

Chúng em xin cảm ơn các Thầy Cô, những con đò thầm lặng đưa chúng em cập bến mà không mong gì đền đáp. Ngày 20 tháng 11, khi nhận được những bông hoa mà học trò trao tặng, chúng em không khỏi bùi ngùi nhớ về Thầy Cô xưa, lòng tự thấy xấu hổ vì không về trường thăm Thầy Cô được một lần từ ngày tốt nghiệp. Với lòng bao dung, chắc Thầy Cô cũng không nỡ trách chúng em đâu. Cũng may chúng em được gặp lại Thầy Cô trong buổi họp mặt này, được thấy Thầy Cô khỏe mạnh, yêu đời và yêu nghề nữa!

Mười bảy năm trôi qua, các bạn lớp mình giờ đã trưởng thành: có bạn thành Phó khoa, có bạn là Hiệu trưởng, có bạn là chuyên viên chuyên môn của ngành, và đa số các bạn đều là những giáo viên nòng cốt ở các trường trong tỉnh. Ngoài ra, một số bạn trở thành hướng dẫn viên du lịch, một số bạn rẽ lối sang các ngành kinh doanh, dịch vụ.... Chúng mình có thể tự hào vì đã góp phần không nhỏ vào xã hội. Tuy nhiên, có một "khoảng lặng" làm chúng ta không thể không buồn: một số bạn chưa lập gia đình, một số bạn tan vỡ trong hôn nhân, và đau lòng nhất, một số bạn vẫn chưa ổn định với nghề mà mình được đào tạo. Mong sao các bạn sớm tìm được niềm vui trong những tháng ngày tới các bạn nhé!

Buổi họp mặt thật vui, dù có nhiều bạn vắng mặt. Mong sao các bạn có thể thu xếp công việc để được quây quần bên nhau mỗi năm một lần, để ta có dịp thổ lộ bao nhiêu chuyện vui buồn, bao nhiêu cảm xúc dâng tràn... Năm tháng trôi qua, ký ức 15 Anh xưa cùng 15 Anh trưởng thành hôm nay sẽ sưởi ấm tâm hồn mỗi người chúng ta, để một lúc nào đó khi tâm hồn ta mệt mỏi, nó sẽ giúp ta "trụ" lại với đời, với nghề. Hãy nhớ về vào ngày họp lớp hàng năm các bạn nhé!

Một số kỷ lục của họp lớp lần II:
  • Hot girl: Ms. Thiên Kim (Sao mà mi mi nhon thế! Cứ như là người mẫu vậy!)
  • Hot boy: Mr. Thanh Tâm (Lần đầu về dự họp mặt mà đươc bình chọn là hot boy thì phải khao đấy bạn ạ!)
  • Thành viên nặng ký nhất: Ms. Tuyền (Sao càng ngày càng phát vậy trời!!!)
  • Thành viên nhẹ ký nhất: Ms. Thanh Trúc (Sao mà ốm dữ vậy trời!!!)
  • Thành viên ngoan ngoãn nhất: Ms. Hạnh Nguyên (đã 40 mươi tuổi đầu, đi họp lớp còn phải hứa với mẹ về lúc 14 giờ)
  • Thành viên đảm đang nhất: Ms. Trúc Linh (đi họp mặt phải dẫn cả con theo)
  • Thành viên ít nói nhất: Mr. Ái Quốc
  • Thành viên nói nhiều nhất: cả lớp (vì mạnh ai nấy nói, khan cả tiếng, mỏi cả miệng)
  • Câu nói xóc hông nhất: "Em đi làm công, em đi ở đợ mà sao thầy khen em giỏi?" (Tác giả là ai xin giấu tên, chắc các bạn cũng biết rồi mà!)
Các bạn giúp mình bổ sung thêm các kỷ lục nhé. Mình bí rùi!!! Hi hi hi...


Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

HÌNH HỌP LỚP

NHỮNG GƯƠNG MẶT THÂN YÊU
Chắc các bạn nôn nóng muốn thấy những gương mặt của Thầy Cô, bạn bè trong buổi họp lớp lắm phải không? Vì lý do kỹ thuật, Tuyền đành trễ hẹn đến 2 tuần. Hôm nay, các bạn có thể ngắm dung nhan của mọi người rồi đó!


Các Thầy Cô cùng về dự họp mặt với lớp

Cô Út Vi và Cô Khánh Linh


Thầy My và Thầy Nguyên đây nè!


Có cả Cô Nguyệt, Thầy Hùng về dự nữa đó các bạn ạ!


Các bạn Tuyết Phượng, Bé Sáu, Thanh Trúc, Trúc Linh chuyện trò rôm rả, thật là vui ghê!


Ái Quốc và Thanh Tâm lần đầu về họp lớp



Chị Tuyết Lê, Thiên Phú, Hạnh Nguyên, Anh Thư vừa liên hoan vừa... tám. He he he...


Thu Nguyệt và Bé Sáu đây rồi! Trông các bạn vẫn như xưa.


Nhỏ Trúc Linh này làm ra vẻ đảm đang, đem con theo để trốn việc nhà đây mà!


Hai chị Hạnh Nguyên, Anh Thư tươi như hoa.


Yến Kiều, Thiên Kim cũng tươi tắn dữ hé. Lâu lâu mới được dịp gặp mặt nhau để tám mà!


Ah! Em "chộp" được hình ảnh chị Trúc đang "nựng" Kim Phượng đây nè. Coi chừng "anh xã" của Phượng đó nghe!


Ai đây ta? Áo đen là Hoàng Yến, áo đỏ là Loan Tuyền. Hai cua rơ này đua từ Sài Gòn về Mỹ Tho trong 1 giờ rưỡi đấy các bạn ạ!


Chuyện dài không dứt, lại thêm phần xem chỉ tay của thầy bói Nguyên khiến buổi họp lớp xôm tụ hẳn.


Photo: Loan Tuyen
Studio: Loc Pho restaurant
Models: 15 Anh CĐSP