Chào các bạn,
Tình cờ đọc được bài báo này nên gửi các bạn tham khảo cho vui. Mình nghĩ tụi mình chắc không dám làm như vậy đâu. Sợ thật. Kim Phuong
Kỳ vọng quá hóa hại conBị điểm 7 môn Toán, Giang nơm nớp lo sợ khi về nhà. Cô bé cố giấu kỹ quyển vở nhưng vẫn bị phát hiện. Em chỉ biết khóc nức nở khi ngồi nghe mẹ "tra tấn" cả buối tối, quên cả bát cơm đang ăn dở.
Những cách đơn giản giúp bé học giỏi/
Con hư, phó mặc cho cô giáoGiang đang học lớp 9 một trường cấp 2 ở Hà Nội. Cô bé ngoan ngoãn, thông minh và luôn đứng trong top 3 học sinh xuất sắc nhất lớp. Bố mẹ em rất kỳ vọng vào cô con gái nên không tiếc tiền đầu tư cho con học hành, từ mua đủ các loại đồ dùng, đến thuê gia sư, chọn thày giỏi cho con học thêm.
Từ lớp một tới giờ, kết quả học tập của Giang cũng rất tốt. Thế nhưng, bố mẹ em chưa bao giờ thấy hài lòng. Điệp khúc: "Con phải cố gắng hơn nữa, thế này chưa được đâu" thường xuyên vang lên để nhắc nhở cô bé.
Tháng trước, chỉ vì được 7 điểm môn toán mà Giang đã phải ngồi nghe mẹ "ca" cả buổi tối với những câu như: "Sao mày lại chỉ có 7 điểm trong khi đứa khác vẫn được 9?", "Bố mẹ nuôi mày thế nào mà mày càng lớn càng ngu thế hả? Mày không muốn học thì ở nhà luôn đi"... Cô bé chỉ biết khóc nức nở.
Sau đó, Giang luôn cảm thấy buồn chán, mệt mỏi. Cách đây không lâu, một buổi tối lên kiểm tra con học, mẹ em đã chết lặng khi thấy Giang nằm bất tỉnh bên bàn học với lọ thuốc ngủ trước mặt. Được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của Giang đã hồi phục nhưng tâm lý em vẫn hoảng loạn.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tu Na (phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, Giang chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân phải điều trị tâm lý vì sức ép và sự kỳ vọng thái quá của bố mẹ đối với chuyện học hành.
Bà Bưởi cho rằng, bố mẹ mong đợi con học hành giỏi giang, thành tài là điều rất chính đáng nhưng nếu điều này thái quá, trở thành những hành động ép con học, hay mắng mỏ khi con không đạt thành tích mong muốn... sẽ tác động tiêu cực đến trẻ. Bởi thường, những trẻ này đã có sự tự cố gắng, cũng luôn muốn đạt kết quả tốt, làm vui lòng bố mẹ rồi. Nếu bị bố mẹ gây sức ép, trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí quay ra chống đối.
Có hai hình thức kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh với con. Một là họ luôn thúc ép con phải học thật giỏi, nổi bật hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Những người này luôn bắt con học ngày học đêm và hầu như chẳng bao giờ thỏa mãn với thành tích của trẻ. Kiểu thứ hai là những bậc phụ huynh muốn trẻ phải học theo sở thích, nguyện vọng của mình, theo đuổi những ước mơ của họ hay phấn đấu đạt được những thứ họ muốn mà không làm được.
Em Thái ở Bắc Giang, vì không trở thành tài năng hội họa như mong muốn của bố mà đã luôn bị mắng nhiếc, chê bai.
Bố Thái là kiến trúc sư, có một công ty riêng về thiết kế xây dựng làm ăn phát đạt. Ông luôn mong con trai sẽ theo nghiệp mình nên từ nhỏ đã hướng Thái vào học vẽ. Thế nhưng, cậu bé tỏ ra không hứng thú với hoạt động này.
Dù được bố đưa đến các thày dạy vẽ giỏi, rồi còn tự kèm cặp ở nhà nhưng Thái vẫn không tiến bộ. Thấy vậy, bố em tỏ ra rất thất vọng, hay mắng mỏ con. Đã không thích vẽ, Thái càng chán nản hơn. Bày tỏ ý định muốn được học võ hay chơi thể thao, Thái bị bố gạt ngang và không tiếc lời chê bai. Gần đây, cậu bé lớp 8 này hay bỏ học, tỏ ra cáu gắt, thường xuyên cãi lại bố.
Theo tiến sĩ Bưởi, khi bước vào tuổi vị thành niên, các em đã nhận thức được về bản thân, có những cái nhìn, sở thích riêng và muốn khẳng định mình, không thích bị ép buộc. Thời kỳ đó, trẻ rất nhạy cảm, khi cảm thấy không được tôn trọng, các em thường bị ức chế, khó kiểm soát hành vi và dễ dẫn đến những hành động dại dột, thiếu suy nghĩ.
Còn với trẻ nhỏ, ghánh nặng học hành không chỉ tạo áp lực cho trẻ mà còn tước đi của các bé thời gian vui chơi, làm trẻ mất đi sự hồn nhiên, vui tươi của tuổi thơ khi luôn phải cố sức học tập để làm vui lòng bố mẹ.
Cô bé Lan Chi, 8 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội từ chỗ thích thú với học tập đã trở nên trầm uất, lo sợ, già trước tuổi vì được bố mẹ quá trông đợi.
Bố mẹ Lan Chi buôn bán đồ ăn ở chợ. Vốn thiệt thòi trên con đường học hành nên khi thấy Chi bắt đầu đi học luôn được điểm cao, họ rất vui mừng, hãnh diện. Đi đến đâu, họ cũng khoe thành tích và sự ham học của con. "Cháu nó toàn thức đến 12 giờ đêm để học đấy. Bắt đi ngủ sớm cũng không đi"... Mỗi lần có khách đến chơi, Chi vẫn phải hí hoáy ngồi viết bài, làm toán để chứng minh những lời cha mẹ khoe là đúng.
Được nghỉ hè, ngay cả khi đi đến nhà ông bà nội chơi vài ngày, bố mẹ cũng không quên để vào túi của Chi vài quyển sách, vở để "cháu nó tranh thủ học, nó chăm lắm". Vì thế, thời gian nghỉ, thay vì được vui chơi với các bạn, anh chị em họ, em lại tiếp tục miệt mài với sách vở. Dù thích, em cũng chẳng dám đòi đi đâu vì sợ bố mẹ mắng.
Gần đây, cô bé luôn chán ăn, người gầy sút. Dì em, khi nghe tin trường sắp tổ chức cho học sinh đi thi cấp phường, đã đến động viên Chi vì nghĩ thể nào cô bé cũng có mặt trong đội tuyển nhưng Chi bất ngờ thổ lộ: "Cháu không thích đi thi đâu, thi trượt thì xấu hổ lắm, bố mẹ lại buồn nữa. Cháu cũng không thích học nữa đâu, mệt lắm".
Tuần trước, một lần vô tình xem vở của con, mẹ em giật mình khi thấy có rất nhiều điểm kém trong đó. Bố mẹ em đùng đùng nổi giận, còn Lan Chi thì òa khóc: "Con sợ bị bố mẹ mắng nên không dám nói. Con không học nữa đâu mẹ ơi...".
Theo tiến sĩ Bưởi, để trẻ học tập tốt, sự quan tâm, khuyến khích của bố mẹ sẽ có tác dụng hơn hẳn những thúc ép hay thể hiện sự kỳ vọng thái quá. Các bậc phụ huynh cần để trẻ có thời gian vui chơi, khám phá cuộc sống xung quanh cũng như học những kỹ năng sống, giao tiếp chứ không chỉ chăm chăm phấn đấu cho bảng điểm. Ngoài ra, bố mẹ nên gần gũi để hiểu được cảm xúc, mong muốn của trẻ rồi từ đó, động viên, giúp con phát triển thế mạnh của mình.
Minh Thùy